Sự kiện Đại_hội_Thể_thao_châu_Á_1951

Đại hội gồm các môn thể thao: Điền kinh, thể thao dưới nước gồm lặn và bơi và bóng nước, bóng rổ, đua xe đạp đường trường và trong sân, bóng đá, và cử tạ. Các môn thể thao có 57 nội dung. Nhiều quốc gia thành viên của Liên đoàn Thể thao châu Á yêu cầu đưa môn quyền Anh thành một môn thi đấu có huy chương, song do nhiều nguyên nhân khác nhau, quyền Anh không có trong danh sách cuối cùng của Đại hội. Nữ giới chỉ tham dự thi đấu điền kinh.[12]

Tại Đại hội, "Quý ông châu Á 1951" cũng được tổ chức với vị thế một sự kiện không có huy chương. Tiêu chí dựa trên cơ sở phát triển thể chất, ngoại hình, và cá tính. Parimal Roy của Ấn Độ giành thắng lợi trước Mahmoud Namjoo của Iran.[13][14]

Tại môn lặn, có hai nội dung tranh huy chương là 3 mét nhảy cầu ván mềm và 10 mét nhảy cầu ván cứng. Ấn Độ và Iran là các quốc gia duy nhất giành được huy chương. Vận động viên người Ấn Độ K. P. Thakkar giành cả hai huy chương vàng và Ấn Độ tổng cộng giành được 4 huy chương. Iran giành được một huy chương bạc và một huy chương đồng.[15]

Trong môn bơi, có 5 quốc gia cử các vận động viên tham gia thi đấu tại 8 nội dung, trong đó có 5 nội dung tự do (100 m, 400 m, 800 m, 1500 m, và tiếp sức 4 × 100 m) và một nội dung bơi ngửa (100 m), bơi ếch (200 m) và bơi hỗn hợp (3 × 100 m). Sau Đại hội, 800 m tự do và tiếp sức hỗn hợp 3 × 100 m bị loại khỏi chương trình thi đấu môn bơi tại Đại hội Thể thao châu Á. Singapore giành được một nửa số huy chương vàng và 2 huy chương đồng, trong khi Philippines thu được một nửa tổng số huy chương với ba huy chương vàng, Ấn Độ có tổng cộng 6 huy chương với một huy chương vàng, và đó là huy chương vàng đầu tiên của Ấn Độ tại Đại hội.[16][17] Vận động viên bơi người Singapore Lương Thủy Quốc (Neo Chwee Kok) giành huy chương vàng đầu tiên của Đại hội Thể thao châu Á.[18] Anh giành tổng cộng 4 huy chương vàng, đều trong các nộid ung tự do (400m, 800m, 1500m, và tiếp sức 4 × 100m); trở thành ận động viên giành nhiều huy chương nhất trong kỳ Đại hội này.[19]

Môn bóng nước chỉ có hai đội tuyển thi đấu là Ấn Độ và Singapore. Trong trận đấu duy nhất, đội tuyển Ấn Độ đánh bại Singapore.[12][20]

Điền kinh là môn thể thao duy nhất mà toàn bộ 11 quốc gia tham dự đều có vận động viên đại diện. Môn thể thao này có 24 nội dung tranh huy chương cho nam và 9 nội dung tranh huy chương cho nữ. Các nữ vận động viên của Nhật Bản giành toàn bộ 9 huy chương vàng của môn này. Các nam vận động viên của Nhật Bản giành được 11 huy chương vàng, các nam vận động viên Ấn Độ xếp thứ hai với 10 huy chương vàng. Nữ vận động viên Toyoko Yoshino của Nhật Bản giành được huy chương vàng tại ba nội dung ném là ném tạ, ném đĩa, ném lao. Vận động viên Lavy Pinto của Ấn Độ đứng đầu trong các nội dung chạy 100m và 200 m nam.[12]

Có năm đội tuyển tham gia thi đấu bóng rổ: Ấn Độ, Iran, Miến Điện, Nhật Bản và Philippines. Các đội thi đấu vòng tròn và được xếp hạng theo điểm số chung cuộc. Philippines là đội bất bại khi thi đấu và có điểm số cao nhất nên giành huy chương vàng, đội tuyển Nhật Bản giành huy chương bạc, còn đội tuyển Iran giành huy chương đồng.[21]

Có bốn quốc gia tham gia thi đấu đua xe đạp: Ấn Độ, Iran, Miến Điện và Nhật Bản. Các nội dung đua xe đạp trong sân vận động là 1000 m nước rút, 1000 m tính giờ, và 4000 m đuổi đội tuyển; nội dung đua xe đạp đường trường là 180 km cá nhân. Môn thể thao được cho là do Nhật Bản thống nhất, họ giành được tổng cộng 8 huy chương, trong đó giành toàn bộ 4 huy chương vàng.[22]

Có sáu quốc gia tham gia thi đấu bóng đá: Afghanistan, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Miến Điện và Nhật Bản. Đội tuyển Ấn Độ giành huy chương vàng khi thắng lợi trước Iran trong trận chung kết, Nhật Bản giành thắng lợi 2-0 trước Afghanistan để giành huy chương đồng. Trong vòng bán kết, Iran và Nhật Bản thi đấu hai trận để tranh suất và chung kết, trận đầu tiên diễn ra vào ngày 7 tháng 3 song không có bàn thắng dù có hiệp phụ; ngày hôm sau hai đội tái đấu và Iran giành thắng lợi trước Nhật Bản.[23][24]

Bảy quốc gia tham gia thi đấu cử tạ, với 7 nội dung là: hạng gà (56 kg), hạng lông (60 kg), hạng nhẹ (67.5 kg), hạng trung (75 kg), hạng nặng nhỏ (82,5 kg), hạng nặng vừa (90 kg), và hạng nặng (+90 kg). Các vận động viên của Iran thống trị tất cả các nội dung và giành được 10 huy chương với tất cả huy chương vàng, Singapore giành được hai huy chương bạc.[12][25]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đại_hội_Thể_thao_châu_Á_1951 http://www.doha-2006.com/gis/menuroot/sports/Swimm... http://news.google.com/newspapers?id=0gNFAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=vANFAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=yANFAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=zANFAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?nid=P9oYG7HA76QC... http://timesofindia.indiatimes.com/sports/india-ne... http://www.rsssf.com/tablesa/asgames51.html http://sportsbharti.com/Asian-Games/1951NewDelhi/B... http://sportsbharti.com/Asian-Games/1951NewDelhi/C...